NHIẾP ẢNH SỐ

Có một điều, mình băn khoăn khá lâu, thì nay mạnh dạn nêu ra để chư quân cùng tham khảo nhé…
– Khi máy ảnh cơ ra đời, mọi người tiếp cận với nó như một mặc nhiên như thế, và chẳng thắc mắc gì thêm (vì muốn hơn cũng chẳng được). Khi phải lấy nét tay, rồi canh thời chụp theo điều kiện ánh sáng thay đổi… khó lắm thay, nhất là trong thời chụp phim. Mười tấm may ra được một hai (tàm tạm dùng được).
– Thế rồi chức năng tự động thời chụp A (chọn trước khẩu độ, tốc độ tự động chạy theo) ra đời, nhiều người đã vỗ tay hoan hô, công nghệ phát triển giúp nhà nhiếp ảnh nhẹ đầu hơn rất nhiều. Kế đến là chức năng lấy nét tự động, ôi tuyệt vời biết bao nhiêu (nhất là với những đôi mắt nằm sau cặp kính)…
– Đến khi chức năng stepless (tốc độ được điều chỉnh vô cấp) được đưa vào mode A, thì hầu như đã hoàn thiện chức năng này rồi. Tuy nhiên đến khi họ đưa được cảm biến màu RGB vào hệ thống đo sáng để thay thế cho hệ đo sáng ma trận đơn sơ thời kỳ đầu (mà họ vẫn hay gọi là đo sáng cân bằng năm vùng), thì khả năng nhận diện các vùng sắc độ cũng như màu hoàn thiện dần, và việc sử dụng “ngân hàng dữ liệu” để điều khiển máy ảnh được xem là chuyện rất đơn giản.
– Chuyện sẽ không chỉ dừng ở đây. Khi công nghệ số ra đời, những thay đổi càng dữ dội hơn và nhanh hơn rất nhiều.
– Việc phải hồi hộp cho đến khi tráng phim xong gần như đã không còn, khi mà người ta có thể “xem thấy được kết quả cuối cùng ngay sau khi bấm máy xong”. Rồi những hiện tượng lệch màu do áp sắc hay biến điệu của nguồn sáng được khắc phục khá ổn bằng phần mềm ngay trong máy ảnh (ngay sau khi chụp, hoặc nơi phần hậu kỳ)… Những tiện nghi nhiều không kể xiết… nhằm giúp nhà nhiếp ảnh DÀNH NHIỀU THỜI GIAN HƠN ĐỂ SUY NGHĨ, CHẮT LỌC TƯ DUY, HẦU TẠO MỐI LIÊN KẾT TỐT NHẤT GIỮA Ý THỨC VÀ THỰC TẠI…
– Thế mà cho đến thời điểm hiện tại, mình thấy có một số nhà nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia hay nghệ sỹ nhiếp ảnh đã “ca ngợi mode M”, cho rằng chỉ khi dùng nó, người ta mới có thể tạo ra được tác phẩm lớn… Sao họ không nghĩ rằng, giữa chuyện đi xe SH và xe 67, thì xe nào cũng giúp họ đến đích được, có điều vấn đề thời gian, thậm chí phong thái sẽ rất khác biệt… Sẽ chẳng ai mắng mình là “người nhà quê”, trừ khi chính bản thân mình muốn thế…
– Để rồi khi công nghệ phát triển, những remote tự động cho phép người dùng điều khiển từ xa ra đời (với những hiệu chỉnh gần như bao gồm hết những chức năng trên máy chụp), thì đã giải phóng cho nhà nhiếp ảnh rất nhiều luôn. Và ngày hôm nay, những flying cam như một tiến bộ vượt bậc, đã giúp nhà nhiếp ảnh MỞ RỘNG HƠN RẤT NHIỀU NĂNG LỰC THỂ HIỆN CỦA MÌNH, từ những góc độ vốn rất khó có thể đến được, hoặc rất nguy hiểm, đến khả năng tạo ra được những động tác máy tuyệt hảo…
– Thế mà có khá nhiều người, không hiểu họ suy nghĩ theo kiểu NGƯỜI HOÀI CỔ, hay chỉ đơn giản là “thiếu hiểu biết”, đã không chịu tiếp nhận những công nghệ phát triển này. Có lẽ trong đầu họ, hễ nói đến đi cày, thì phải là con trâu đi trước, cái cày theo sau chăng…

Nguyễn Trung Thu

Bình luận về bài viết này